94 phút ở Buriram là một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với những gì từng diễn ra trong quá khứ. Một Việt Nam luôn phải bám đuổi trong tự ti và e sợ, bây giờ đã đổi vị trí ấy sang người Thái. Cuộc phân định ngôi thứ mà người Thái chủ động tạo ra, rốt cuộc vẫn không có hậu trong lễ hội nhà vua.

King’s Cup là một giải đấu thường dành để vinh danh tuyển Thái. Họ tổ chức ra giải đấu mang tên nhà Vua, chắc chắn không mong muốn nhận về một kết cục đắng cay như những gì vừa xảy ra ở sân vận động mang cái tên đầy “Sấm sét”.

Động cơ của người Thái là rất rõ: đi tắt đón đầu hòng tranh phần hơn thiệt với Việt Nam. Họ không làm được điều đó ở các giải đấu lớn tầm châu lục như U23 châu Á, ASIAD hay Asian Cup, cũng không có cơ hội so đọ với thầy trò ông Park Hang-seo tại chính mảnh ao nhà AFF Cup. Và họ gửi chiến thư đến chúng ta, qua King’s Cup.

King’s Cup, về lý thuyết chỉ là một giải giao hữu. Nhưng về danh tiếng, người Thái đã dùng “nghệ thuật” đẩy nó lên thành một màn so găng không kém gì những trận quyền Anh đẳng cấp. Truyền thông Việt Nam bị hút vào đó, và tuyển Việt Nam cũng bị dồn lên vai những áp lực nặng nề chẳng khác gì các giải đấu chính chuyên.

Đến Park Hang-seo còn phải thốt lên rằng ông không ngờ làm HLV ở Việt Nam lại vất vả đến như vậy – khi ông trưng ra một bản danh sách đội tuyển không đúng ý nhiều người. Ông chỉ muốn tránh cho học trò những tranh cãi không cần thiết, những mệt mỏi lẽ ra chẳng nên xuất hiện, những sức ép nghiệt ngã từ trên trời rơi xuống… Ông, dù cố gắng đưa trận đấu truyền kiếp Thái – Việt về đúng tính chất của nó là giao hữu và thử nghiệm, cũng không thể làm ngơ trước kỳ vọng của người hâm mộ và trước cả những cú đòn gió đầy cay cú từ bóng đá Thái Lan.

Nhưng ở đời, sự cay cú ăn thua nhiều khi không mang lại kết quả như ý. Trên sân bóng, điều ấy càng dễ xảy ra. Đơn giản vì bóng đá ngoài trình độ còn là một cuộc thi thố về tâm lý.

Trên đất Thái, những cầu thủ chủ nhà về năng lực chưa chắc đã thua kém chúng ta, nhưng điều bất lợi nhất của họ chính là nhiệm vụ mà họ phải cõng đến oằn lưng. Nước chủ nhà King’s Cup mong muốn thắng Việt Nam bằng mọi giá, chính mong muốn đó đã đánh gục họ.

Thái Lan triệu tập thủ thành Kawin từ Bỉ về để đá trận cầu cao thấp. Họ có tưởng tượng nổi rằng chốt chặn đầy tin cậy này lại khởi đầu bằng một pha ra vào quá đỗi nghiệp dư và kết thúc bằng một bàn thua không thể lóng ngóng hơn được nữa?

Thái Lan thoạt đầu còn đá bóng, nhưng sau khi húc phải bức tường tự vệ đầy khoa học và nhẫn nại của tuyển Việt Nam, họ chuyển sang trạng thái… đá người. Những pha xấu chơi đối với Công Phượng, Văn Hậu, nếu không phải là giao hữu chắc hẳn đã nhận thẻ đỏ thẳng tay.

Những ngôi sao của họ, những ý đồ của họ và cả những mục tiêu của họ, rốt cuộc đều chết chìm trong sự căng cứng mà chính họ tạo ra. Trong khi ấy, tuyển Việt Nam của thầy Park dù đối mặt với những khoảnh khắc thực sự khó khăn, vẫn bình thản vượt qua mà không hề đánh mất mình.

Ông Park không phải vì tính chất hư ảo của trận cầu mà quên đi những toan tính đặc trưng. Ông dùng Tuấn Anh một cách kiên nhẫn, “thả” Văn Toàn vào sân sau liên tiếp những tháng ngày mài ghế dự bị trên đội tuyển. Ông tin tưởng Trọng Hoàng, bất chấp anh chưa thi đấu một phút đỉnh cao nào trong hơn nửa năm qua. Và ông đã làm Công Phượng “sống lại” cả một mùa thất vọng chỉ với một pha dứt điểm tinh tế, cũng giống như xoá tan bao sự hồ nghi bởi Anh Đức lại định đoạt trận đấu bằng cái duyên của lão chiến binh…

Tuyển Việt Nam đã vượt qua cạm bẫy Thái Lan bằng đúng giá trị của một nhà vô địch Đông Nam Á. Ngôi vị bây giờ là thứ không cần bàn cãi, đẳng cấp lúc này cũng là thứ đã được chứng minh. Chúng ta đang ung dung đi chặng đường của chính mình, để lại phía sau là người Thái đầy căng thẳng và ám ảnh.