Vị thế ứng viên quen thuộc

Như thường lệ, bóng đá Malaysia vẫn được coi là 1 trong những ứng cử viên sáng giá cho tấm HCV bóng đá nam sân chơi SEA Games. Trong lịch sử các kỳ đại hội, Malaysia chỉ xếp sau Thái Lan về bảng vàng thành tích: 'Những chú hổ' từng 6 lần đoạt tấm huy chương vàng danh giá nhất SEA Games, 6 HCB và 7 lần giành HCĐ.

Kể từ khi bóng đá nam SEA Games được quy hoạch riêng cho các lứa cầu thủ U23 trở xuống, Malaysia là 1 trong những nền bóng đá phát triển ổn định nhất. Theo đó ở 5 kỳ đại hội gần nhất, U23 Malaysia có tới 3 lần vào chung kết (2 lần đoạt HCV). Cách đây 2 năm, U23 Malaysia với vị thế chủ nhà đã thúc thủ đáng tiếc trước U23 Thái Lan ở trận chung kết. Điều đó càng khiến khát khao phục hận của họ dâng cao trên đất Philippines sắp tới.

Thành tích bóng đá Malaysia tại SEA Games: HCV (6), HCB (6), HCĐ (7)

Thành tích bóng đá Malaysia tại AFF Cup/Tiger Cup: Vô địch (1), HCB (3), HCĐ (2), Hạng 4 (1)

Kỳ vọng ở' gương mặt thân quen' Ong Kim Swee và lứa thế hệ vàng tiếp theo

Một trong những niềm tự hào của bóng đá Malaysia là họ không lệ thuộc vào các HLV ngoại như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia. Thay vào đó, các lứa ĐT Malaysia luôn đặt niềm tin vào những chiến lược gia bản địa, và quan trọng là họ mang lại thành công. Cách đây 1 thập kỷ, 'dị nhân' Datuk K.Rajagopal từng đưa bóng đá Malaysia thống trị sân chơi Đông Nam Á trong 3 năm liên tiếp (1 chức vô địch AFF Cup, 2 HCV SEA Games).

Trở lại với chiến dịch săn vàng SEA Games 30, U22 Malaysia sẽ đặt dưới sự chỉ đạo của HLV Ong Kim Swee - người quen với bóng đá Việt Nam. Vốn là một huyền thoại khi còn mang nghiệp quần đùi áo số, HLV Ong Kim Swee luôn thuộc biên chế của ĐTQG hoặc U23 Malaysia suốt từ năm 2011 đến nay. Vị chiến lược gia 48 tuổi cũng từng đưa bóng đá Malaysia lên đỉnh SEA Games (HCV năm 2011), do đó ông rất có kinh nghiệm với sự đặc thù của sân chơi này.

Ở vòng bảng SEA Games 30, có thể nói U22 Malaysia đã rơi vào bảng đấu khá thuận lợi khi ở bảng A với sự góp mặt của chủ nhà Philippines, Myanmar, Campuchia và Timor-Leste. Với việc 2 ứng viên nặng ký Việt Nam & Thái Lan bị dồn chung sang bảng B, cơ hội để U22 Malaysia đoạt ngôi đầu bảng A là rất lớn.

Bên cạnh đó, việc chỉ phải thi đấu 4 trận ở vòng bảng và nghỉ nhiều hơn các đối thủ bảng B 1 ngày trước bán kết sẽ là lợi thế lớn cho 'Những chú hổ'. Theo lịch thi đấu, U22 Malaysia sẽ sớm định đoạt vòng bảng khi đụng độ lần lượt U22 Myanmar và U22 Philippines ở 2 lượt trận đầu tiên. Nếu mọi việc thuận lợi, thầy trò HLV Ong Kim Swee sẽ thảnh thơi ở 2 lượt cuối với các đối thủ U22 Timor-Leste và U22 Campuchia.

Lịch thi đấu U22 Malaysia ở SEA Games 30:

25/11/2019, U22 Malaysia vs U22 Myanmar                        

29/11/2019, U22 Malaysia vs U22 Philippines                      

02/12/2019, U22 Malaysia vs U22 Timor-Leste                    

04/12/2019, U22 Malaysia vs U22 Campuchia

Nhìn chung U22 Malaysia là thách thức lớn cho mọi đối thủ trong cuộc đua tranh tấm HCV bóng đá nam SEA Games 30. Tuy vậy giới chuyên môn đánh giá năng lực cầm quân của HLV Ong Kim-swee vẫn dưới 2 chiến lược gia ngoại Park Hang-seo (Việt Nam) & Akira Nishino (Thái Lan) một bậc. Đó sẽ là rào cản cho U22 Malaysia để tiến tới trận đấu cuối cùng.

Nhận định: Huy chương đồng