Không ai thoát khỏi quy luật của nhân gian, nhưng cũng không ai ngờ rằng, ngày đó đến vào hôm nay, mà nó lại đến với Bầu Hồng. Anh tạm biệt tất cả khi quá nhiều thứ còn dang dở và một ước mơ gắn kết cộng đồng còn bỏ ngỏ.

Hơn ba năm trước, Bầu Hồng trăn trở về một sân chơi chung cho cộng đồng, cho những người tạm gọi là “ít nổi tiếng và ít tiền”. Anh bảo, bóng đá mà làm những người nổi tiếng thì dễ, nhưng lúc nào cũng làm người nổi tiếng thì những người khác ai quan tâm?

Thế là bầu Hồng xắn tay vào, cùng đàn em Hải bạc, Dũng béo tạo nên Bóng đá sân 7. Tiêu chí xuyên suốt là Phục vụ cộng đồng, tạo sân chơi cho các đội bóng đúng nghĩa. Với Bầu Hồng, người nổi tiếng có thể bỏ qua, vì “mình không làm sẽ có người khác làm” nhưng người bình thường chắc chắn phải được tôn trọng. Đầu tiên, Bóng đá sân 7 tôn trọng họ, trao cho họ cơ hội chơi bóng mà chẳng phải lo nghĩ gì…

Khó ai biết, trong vòng vài năm ngắn ngủi khai tạo Bóng đá sân 7, Bầu Hồng đã bỏ bao nhiêu tiền, vận động bao nhiêu doanh nghiệp, lôi kéo bao nhiêu anh em để cùng lan toả sân chơi cộng đồng đúng nghĩa.

Tôi không chắc ngoài Bầu Hồng, thì ở Việt Nam hiện nay có ông Bầu nào ngoài việc xây dựng đội bóng của mình, còn lo việc giúp đội bóng khác phát triển, có ông Bầu nào lo cho “con cháu” của mình, còn đau đáu đến việc giúp đỡ “con cháu” của người khác?

Tôi cũng không chắc ngoài Bầu Hồng, còn ai giúp đỡ những người “vô danh” và coi đó như sứ mệnh của mình nữa không? Đội bóng nào xin gì cũng có, giải đấu nào yêu cầu giúp là giúp, giúp cả tư duy, nhân lực lẫn tiền bạc, giúp một cách hoan hỷ và chân thành.

Hơn 20 năm lao mình vào sương gió của sân chơi chả được ông to bà lớn nào thừa nhân, Bầu Hồng đưa bóng phủi Việt Nam ra thế giới bằng chuyến đi Old Trafford năm 2009. Giải 6v6 lần đó ghi danh Trà Dilmah là đội đoạt HCB, dưới tên Việt Nam. Có lẽ, phải rất lâu nữa những người chơi bóng không chuyên mới tái lập thành tích đó!

Cũng dưới tay Bầu Hồng, người ta biết đến Trà Dilmah như một trong những huyền thoại bất tử của Phủi Hà thành. Một đội quân toàn dị nhân, chơi bóng vị nghệ thuật, đẹp mắt, lung linh và trở thành kiểu mẫu của nhiều CLB sau này.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức với bạo bệnh, Bầu Hồng vẫn là người lạc quan và luôn nghĩ cho người khác. Hễ đỡ mệt một chút là anh tìm cách giúp người nọ, giúp người kia, giúp giải đấu này, xây dựng giải đấu khác, đau đáu nỗi niềm “người ít tiền và người ít tiếng” chơi bóng có được vui vẻ không?

Tiếc là, mọi thứ đã đột ngột dừng lại. Khoảng trống xuất hiện giữa mênh mông khi có anh và khi không có anh. Người ở lại chỉ có thể lau nước mắt nhưng không lau được những hoài niệm họ đã từng trải qua với anh.

Hôm nay, nơi cuối con đường, ai cũng hy vọng đây là lời “tạm biệt” chứ không phải “vĩnh biệt”. Anh chỉ tham gia vào “cuộc đi” mà không rõ ngày về. Vậy thôi…