ALI DAEI (IRAN)

Năm 1996, Ali Daei ở tuổi 27 mới chỉ có 7 bàn thắng cho ĐT Iran. Tuy nhiên, bước ngoặt tới ở vòng loại AFC Asian Cup 1996, khi anh ghi tới 12 bàn thắng, trước khi trở thành người hùng của Iran ở vòng chung kết. 3 trận tại vòng bảng, Ali Daei đều ghi bàn, đặc biệt tỏa sáng ở vòng tứ kết với 4 bàn vào lưới Hàn Quốc để giúp Iran kết thúc trận đấu với chiến thắng 6-2.

Trong trận tranh hạng ba với Kuwait, Ali Daei lại tiếp tục ghi bàn để giúp đội nhà giành chiến thắng. Năm đó, Ali Daei đoạt ngôi Vua phá lưới VCK AFC Asian Cup 1996 với tổng cộng 8 bàn thắng.

AFC bầu chọn 5 huyền thoại trong lịch sử Asian Cup - Ảnh 1
Ali Daei đoạt ngôi Vua phá lưới VCK AFC Asian Cup 1996 với tổng cộng 8 bàn thắng

SHUNSUKE NAKAMURA (NHẬT BẢN)

Shunsuke Nakamura lần đầu tiên xuất hiện tại AFC Asian Cup lúc mới 22 tuổi vào năm 2000, khi Nhật Bản đánh bại Saudi Arabia trong trận chung kết ở Lebanon. Nhưng phải 4 năm sau, tiền vệ này mới thực sự tỏa sáng. Nakamura khi đó khoác áo Reggina ở Serie A, ghi bàn trong cả 2 trận đầu của Nhật Bản tại AFC Asian Cup 2004, rồi tiến vào chung kết gặp chủ nhà Trung Quốc.

Trước sức ép của 62.000 khán giả trên sân Công nhân (Bắc Kinh), “Samurai xanh” dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Nakamura vẫn xuất sắc đánh bại đội chủ nhà với tỷ số 3-1 để bảo vệ thành công chức vô địch. Cầu thủ 26 tuổi góp phần vào cả 3 bàn thắng của Nhật Bản, qua đó ẵm luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải.

YOUNIS MAHMOUD (IRAQ)

Khi Iraq lần đầu vô địch AFC Asian Cup vào năm 2007, Younis Mahmoud thực sự xứng danh thủ lĩnh. Anh luôn ghi bàn ở những thời điểm quan trọng nhất, từ trận ra quân gặp đồng chủ nhà Thái Lan, thắng Việt Nam ở vòng tứ kết, hay trận chung kết gặp Saudi Arabia.

Younis Mahmoud đã giành Chiếc giày vàng với tổng cộng 4 bàn thắng và là Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Anh cũng là cầu thủ duy nhất ghi bàn ở 4 kỳ AFC Asian Cup khác nhau, đeo băng đội trưởng ĐT Iraq ở 3 kỳ trong số đó.

TIM CAHILL (AUSTRALIA)

Trong lần đầu tiên Australia tranh tài tại AFC Asian Cup vào năm 2007, Tim Cahill có ghi bàn. Nhưng phải đợi 8 năm sau ở giải đấu trên sân nhà, Australia mới có lần đầu lên ngôi vô địch và Tim Cahill tiếp tục ghi bàn. Anh nổ súng ở ngay trận ra quân của Australia, đánh bại Kuwait với tỷ số 4-1. 

Nhưng màn trình diễn của anh chỉ thực sự ấn tượng trong trận gặp Trung Quốc tại tứ kết với một cú đúp bàn thắng. Trận chung kết là màn chia tay hoàn hảo tại AFC Asian Cup dành cho Cahill khi đoàn quân của Ange Postecoglou - HLV trưởng hiện tại của Tottenham - đánh bại Hàn Quốc 2-1 trước hơn 76.000 khán giả Australia.

SALEH AL NU’EIMAH (SAUDI ARABIA)

Ngay trong lần đầu tiên tranh tài tại AFC Asian Cup vào năm 1984, ĐT Saudi Arabia chỉ thủng lưới vỏn vẹn có 3 bàn trong hành trình lên ngôi vô địch, nhờ có thủ quân Saleh Al Nu’eimah chỉ huy hàng thủ. Không chỉ phòng ngự xuất sắc, Saleh còn đóng góp 1 bàn thắng cho đội nhà.

Bốn năm sau, lịch sử lặp lại khi Saleh và đồng đội dưới sự dẫn dắt của HLV huyền thoại Carlos Alberto Parreira đánh bại Hàn Quốc trên chấm phạt đền ở trận đấu cuối cùng. Đây cũng là lần đầu tiên một trận chung kết AFC Asian Cup phải phân định thắng thua trên chấm penalty. Saleh một lần nữa lại chỉ huy hàng thủ, lần này thậm chí chỉ để thủng lưới 1 bàn sau 6 trận đấu. Anh cũng ghi bàn trong trận chung kết, trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử AFC Asian Cup.